Những ca bệnh hiểm nghèo có thể phòng tránh

Chuyện cách đây hơn mười năm trước – vào năm 2010, khi đó tôi chưa kết hôn. Bé B.Q. (4 tuổi, con chị L.M., một đồng nghiệp làm cùng công ty tôi, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Bình Dương) bị sốt, co giật rồi được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo.

Chị L.M. vội đưa con đi thăm khám tại Bệnh viện Nhi đồng ở TP.HCM. Bác sĩ làm các xét nghiệm và thông báo rằng bé B.Q. bị viêm não Nhật Bản, dẫn đến bị bại não. 

Gia đình đang êm thắm, con đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo khiến vợ chồng chị xảy ra cãi vã, mâu thuẫn rồi ly hôn.

Đồng nghiệp, bạn bè trong công ty tôi gom góp được số tiền gần 100 triệu đồng phụ giúp chị L.M. chữa bệnh cho bé B.Q.. Chị L.M. sau đó xin nghỉ việc công ty, một mình ôm con, mang theo niềm hy vọng mong manh “còn nước còn tát” ra Hà Nội.

“May thầy phước chủ”, bé B.Q. được các bác sĩ bệnh viện ngoài Hà Nội tận tình cứu chữa, thoát được cửa tử nhưng bé không trở lại lanh lẹ bình thường như trước đây.

Cùng thời điểm đó, chị gái tôi đi đám tang một người bạn về cho hay bạn chị, là cán bộ công chức, đang khỏe mạnh, làm việc bình thường bỗng một ngày xảy ra các triệu chứng: chán ăn, nóng, sốt và sụt cân rất nhanh.

Đến bệnh viện thăm khám, làm các xét nghiệm mới phát hiện anh bị ung thư gan giai đoạn cuối. Từ lúc phát hiện bệnh đến lúc mất không đầy 3 tháng khi tuổi đời mới ngoài 50, chưa kịp đến tuổi hưu!

Chị nói gia đình anh Đ. cho biết anh Đ. phát hiện mắc bệnh viêm gan B trong một lần hiến máu tình nguyện. Nhưng vì đã mắc bệnh nên không còn “cơ hội” để tiêm ngừa vắc xin viêm gan B.

Công ty tôi nhiều lao động nữ. Sau câu chuyện của chị L.M., mọi người đều xem đó là bài học “kinh nghiệm”. Một vài người trước đó từng có cái nhìn không thiện cảm với việc tiêm ngừa vắc xin cũng bắt đầu thay đổi suy nghĩ…

Năm 2012 tôi kết hôn. Lần lượt sinh hai bé vào năm 2013 và 2017. Từ những câu chuyện không vui đã nghe và chứng kiến nên tôi rất chú trọng việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho các con mình bằng việc tiêm ngừa vắc xin.

Cả hai lần sinh tôi đều được các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và Bệnh viện Phụ sản Mê Kông tận tình tư vấn thông tin về các loại vắc xin tiêm ngừa cho bé. 24 giờ sau sinh các bé được tiêm vắc xin ngừa lao, vắc xin ngừa viêm gan B. 

Rồi lần lượt các loại vắc xin được tiêm ứng theo tháng tuổi như: vắc xin ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm màng não mủ do Haemophilus Influenza Type B, đến các loại vắc xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus, vắc xin ngừa các bệnh: sởi, quai bị, Rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản B; viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa…

“Trời sinh voi sinh cỏ mà tiêm chi mà tiêm dữ? Bộ không xót con hả?”, một chị hàng xóm đã tỏ ra “sốt ruột” khi thấy vợ chồng tôi cứ thi thoảng lại đưa con đến phòng khám tiêm vắc xin (tôi chọn tiêm vắc xin dịch vụ với mong muốn các bé được chăm sóc y tế tốt nhất). 

Tôi tự biết câu chuyện của gia mình nên chỉ biết… cười trừ với chị hàng xóm! Mỗi người một góc nhìn, suy nghĩ khác nhau. Nhất là những chuyện liên quan trực tiếp đến sức khỏe của bản thân, người thân. Bối cảnh xã hội hiện nay đã khác nhiều so với thời xưa. Có những quan niệm còn giá trị nhưng cũng có những quan niệm không còn phù hợp.

Bé lớn tôi năm nay vào lớp 5, bé nhỏ vào lớp 1. Thi thoảng vào những lúc thời tiết giao mùa, các bé cũng cảm sốt, sổ mũi đôi chút, nhưng chỉ một hai hôm là khỏe lại bình thường. Còn lại, có lẽ nhờ được tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh nên hai vợ chồng tôi gần như yên tâm công tác mà không phải xin nghỉ phép…

Góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ vắc xin cũng là một dạng “bảo hiểm nhân thọ”! Tiêm ngừa vắc xin là biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Nhất là với đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn chưa mắc bệnh. 

Tôi bỏ ngoài tai câu nói “Trời sinh voi sinh cỏ” nhưng cực kỳ tâm đắc với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Tôi chia sẻ những câu chuyện không vui đã chứng kiến, lẫn những điều mà bản thân đã trải qua có liên quan đến việc tiêm ngừa vắc xin, với mong muốn góp một lời nhắn đến tất cả mọi người hãy phòng bệnh chứ đừng để bệnh rồi mới… chạy, như câu chuyện không vui của chị bạn đồng nghiệp tôi.

Nhà chắc nhờ xây móng vững. Cây cao vững chãi nhờ chăm sóc rễ tốt. Con người muốn khỏe mạnh cần được chăm sóc sức khỏe từ ban đầu, và phòng ngừa bệnh tật bằng việc tiêm ngừa vắc xin là biện pháp vừa an toàn vừa an tâm, lại không mất tiền (nếu không chọn tiêm vắc xin dịch vụ).

Con cái khỏe mạnh, chăm ngoan chính là nền tảng bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tiêm ngừa vắc xin là góp phần an sinh, nhẹ gánh y tế cho xã hội, và vì một cộng đồng khỏe mạnh.

nguồn: báo tuổi trẻ